Tâm lý trì hoãn: nguyên nhân và cách giải quyết

0
2816
tam-ly-tri-hoan

Đã bao giờ bạn rơi vào trường hợp: “Mai thi Tiếng Anh, đã 8 giờ tối, nhưng tí nữa mình sẽ học, bây giờ mình làm bài tập môn mình thích đã.” chưa?

Chúng ta biết làm vậy là không tốt, và hiểu mình cần phải học Tiếng Anh để ôn thi ngay, nhưng chúng ta vẫn không làm vậy. Rõ ràng đây không hẳn là “bệnh lười”, vì bạn vẫn làm việc mà. Vậy căn bệnh này tên là gì và làm cách nào để sửa đổi thói quen có hại này?

Cùng tìm hiểu “tâm lý trì hoãn” trong bài viết này cùng Hack Não nào!

I. Tâm lý trì hoãn là gì

Tâm lý trì hoãn là khi chúng ta trì hoãn không muốn làm điều gì đó. Đây là một là một tâm lý vừa khó bỏ, vừa gây hại, mà lại rất dễ mắc.

tam-ly-tri-hoan-1

1. Một tư duy “không của riêng ai”

Tâm lý trì hoãn chính là cảm giác “tính sau”, “thêm 5 phút nữa rồi sẽ làm”. Đây là một tư duy rất nhiều bạn gặp phải: từ châu Á sang châu  u, từ hiện tại trở về quá khứ, đi tới tương lai. Tư duy này phổ biến đến mức nó có đủ các tên gọi trong các ngôn ngữ: procrastination (Tiếng Anh), procrastinare (Latin), akrasia (Hy Lạp), 拖延 (Trung Quốc), aufschub (Đức),… 

2. Một tư duy độc hại

Bạn thừa biết là “không nên làm vậy” và điều này làm bạn cảm thấy thất vọng với bản thân. Khi bản thân né tránh công việc, bạn hoàn toàn hiểu  rằng “mình đang trốn việc”, và “làm vậy không tốt, mình không nên làm vậy”. Dẫu biết vậy, nhưng bạn vẫn chọn cách trì hoãn tiếp. Điều đó khiến bạn cảm thấy bực tức và khó chịu với chính bản thân mình.

3. Một thói quen khó bỏ

Tư duy này như sở thích ăn quà vặt ở cổng trường của chúng ta vậy. Mặc dù chúng ta biết chúng độc hại và không tốt cho sức khỏe, nhưng chúng ta đều đã ăn, vẫn muốn ăn, và chắc chắn sẽ ăn nếu có cơ hội. Tương tự, nhiều khi bạn muốn học thêm thứ này, làm việc kia, nhưng lại luôn tự tìm cho mình lý do để trì hoãn chuyện đó với câu cửa miệng “để mai tính”.

II. Nguyên nhân chúng ta muốn trì hoãn

Hẳn là bạn sẽ hỏi: “Tại sao chúng ta biết chúng là không tốt, là có hại cho bản thân, nhưng chúng ta vẫn làm điều đó?”

Hãy tưởng tượng có hai người: Bạn ở hiện tại và bạn ở tương lai. Khi lên kế hoạch như học Tiếng Anh, tập thể dục,… bạn đang nghĩ cho bạn ở tương lai: học giỏi, nhiều tiền, khỏe mạnh. Nhưng để tới được đó, người cần đổ mồ hôi là bạn ở hiện tại. Bạn ở hiện tại cảm thấy ganh tị và bất công.

tam-ly-tri-hoan-2

Chính bởi vậy, bạn ở hiện tại không muốn làm, cố gắng trì hoãn việc học Tiếng Anh và có suy nghĩ “Để cho bản thân ở tương lai lo chuyện đó.”

Và đôi khi chúng ta làm vậy để tránh né những cảm xúc tiêu cực khi học Tiếng Anh: chán nản, tự nghi ngờ, thiếu tự tin, lo lắng, bất an, … Nhưng càng trì hoãn và dồn nén cảm xúc lâu, thì khi bạn chính thức bắt đầu, bạn càng cảm thấy tồi tệ hơn.

tam-ly-tri-hoan-3

Nhưng rồi khi chính thức bắt tay vào làm, bạn nhận ra công việc không gây khó chịu như bạn tưởng, và bạn dần vơi đi những cảm xúc tiêu cực của bản thân.

Vậy việc khó vượt qua nhất chính là việc bắt đầu. Làm thế nào để bắt tay vào làm ngay? Hãy tham khảo các mẹo sau từ Step Up.

III. Cách vượt qua tâm lý trì hoãn

Để vượt qua tâm lý trì hoãn, Step giới thiệu đến bạn đọc các quy tắc để bắt đầu công việc dễ dàng hơn.

1. Giải quyết tạm thời tâm lý trì hoãn

1.1. Đưa hậu quả đến gần hơn

Mẹo tiếp theo để khắc phục tâm lý trì hoãn là đẩy hậu quả nếu không làm việc đến gần hơn. Thay vì “nếu không học Tiếng Anh, sau này khó xin việc”, hãy sửa thành “nếu không học, bài kiểm tra tuần này bị điểm kém”, hoặc thậm chí “nếu không học ngay, mẹ đánh nát đít”. Việc đưa hậu quả đến gần như một cú huých, đẩy bạn qua mốc khó khăn nhất khi bắt đầu. 

tam-ly-tri-hoan-4

1.2. Làm việc trì hoãn khó khăn hơn

Một cách khác để không trì hoãn là hạn chế những tác nhân có thể trở thành lý do trì hoãn. Khi vào bàn học Tiếng Anh, bạn hãy cất tất cả mọi thứ khác: bài tập các môn, điện thoại, gương,… và chỉ để lại những gì cần thiết. Thậm chí, hãy thoát tài khoản facebook, instagram, tiktok,.. để bản thân khó trì hoãn hơn. Khi chỉ còn Tiếng Anh trên bàn, bạn sẽ đỡ thấy “ngứa tay” muốn “lướt facebook xem 1 ảnh này thôi” hơn.

2. Giải quyết vĩnh viễn tâm lý trì hoãn

Để xử lý triệt để tâm lý trì hoãn, hãy áp dụng các phương pháp sau:

2.1.Áp dụng Nguyên tắc 2 phút

Nguyên tắc 2 phút nêu rằng: “Khi bắt đầu một công việc mới, thì hãy làm công việc đó trong hai phút. Và nếu làm việc đó tốn 2 phút, hãy làm luôn.”

Theo đó, chúng ta chia nhỏ việc học Tiếng Anh thành các đầu việc nhỏ hơn:

  • “Học nghe phát âm” trở thành “nghe một video trong 2 phút”
  • “Đọc một cuốn sách” trở thành “Đọc một trang sách”
  • “Học bảng động từ bất quy tắc” thành “học mười động từ bất quy tắc”

Từ việc làm những điều đơn giản trước, bạn sẽ tạo cho mình thói quen làm việc dễ dàng hơn. Từ đó, bạn sẽ vượt qua trở ngại ban đầu và có thể học Tiếng Anh thuận tiện hơn.

tam-ly-tri-hoan-5

2.2. Vận dụng phương pháp Ivy Lee

Phương pháp Ivy Lee nêu rằng: “Vào cuối mỗi ngày, hãy lập danh sách ưu tiên đúng 6 điều bạn cần làm vào ngày hôm sau. Trong ngày hôm sau, hãy làm từng điều một. Nếu công việc không xong, hãy chuyển công việc đó sang danh sách 6 điều hôm sau.”

Phương pháp rất đơn giản nhưng cũng rất hiệu quả. Nó giúp bạn loại bỏ gánh nặng phải nghĩ “mình cần làm gì bây giờ” và giúp bạn tận dụng năng lượng quý giá vào những việc cần làm.

Áp dụng vào việc học Tiếng Anh, trước khi đi ngủ, bạn hãy lập danh sách 6 việc bản thân cần làm vào hôm sau:

  • Ôn lại thì hiện tại đơn
  • Làm bài tập thì hiện tại đơn
  • Học thì hiện tại tiếp diễn
  • Đặt 5 câu về thì hiện tại tiếp diễn
  • Làm một bài tập về thì hiện tại tiếp diễn
  • Kiểm tra lại kết quả

Qua ngày hôm sau, hãy hoàn thành từng việc một, và nếu chưa kịp “kiểm tra lại”, hãy để việc đó thành việc ưu tiên đầu tiên cho danh sách ngày hôm sau nữa.

Kết

Tâm lý trì hoãn là một cản trở lớn ngăn chúng ta hoàn thành công việc và đạt được thành công. Qua bài viết này, Step Up mong rằng bạn có thể thay đổi ngay thói quen này. Step Up chúc bạn học tốt và luôn nhớ rằng:

| “Mỗi khi nản chí, hãy nhớ lý do bạn bắt đầu.”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here